Ngày 28/10, Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã khảo sát sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Cùng tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng lãnh đạo các vụ thuộc Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và huyện Mường Lát.
Theo báo cáo tại buổi khảo sát, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Mường Lát đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới. 100% các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đã nghiêm túc triển khai, quán triệt nhằm tạo sự thống nhất cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo; công tác giảm nghèo đạt kết quả khá, khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân giữa các xã, thị trấn được thu hẹp dần; giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa có bước phát triển mới; đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc củng cố, tăng cường, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao.
Cụ thể, huyện Mường Lát đã đạt nhiều kết quả trên hầu khắp các lĩnh vực, mục tiêu của Kết luận số 65 - KL/TW. Trong đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai có hiệu quả với 2.105 lượt cán bộ,công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng trong 5 năm; mở được 44 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với hơn 969 học viên tham gia tự tạo việc làm tại chỗ. Hiện tại huyện đã có 705 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025, huyện đang được tập trung triển khai thực hiện, hỗ trợ làm 665 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; Quỹ Vì người nghèo do Mặt trân Tổ quốc vận động đã hỗ trợ làm mới 825 căn nhà Đại đoàn kết và sửa chữa trên 20 căn nhà và hàng trăm ngôi nhà được xây mới theo các dự án định canh, định cư, sắp xếp ổn định dân cư.
Cũng trong 5 năm qua, tổng nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án trên địa bàn huyện Mường Lát đạt hơn 605,177 tỷ đồng đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình, nhất là công trình giao thông, tạo liên kết vùng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đạt 93,34%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,2%...
Về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách. 9 tháng năm 2024, doanh số cho vay đạt 89,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 70,1 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 310,6 tỷ đồng , bình quân trên hộ đạt 62 triệu đồng (5.008 hộ) tăng 5,3 triệu đồng/hộ so với đầu năm.
Cùng với nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Hiện nay có 100% số xã, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao xã; tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đạt 68,9%; tỷ lệ bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa 73,8%; có 76/88 nhà văn hóa đạt chuẩn. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi duy trì ở mức cao; tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt 97,5%; công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học được quan tâm chỉ đạo, số phòng học kiên cố đạt 65%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 đạt 12/31 trường. 100% xã, thị trấn có trạm y tế kiên cố và duy trì 50% trạm y tế có bác sỹ; có 8/8 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 100%); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dưới 23%.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số và phát huy vai trò của Người uy tín được tập trung quan tâm. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc được tăng cường. Công tác dân vận của Mặt trân Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều hiệu quả thiết thực…
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, nhưng huyện Mường Lát vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Hạ tầng chưa đồng bộ; đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững. Việc hỗ trợ sản xuất, sinh kế cho đồng bào chưa kịp thời; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tình trạng thiếu đất canh tác vẫn còn. Tình hình an ninh trật tự, buôn bán, vận chuyển ma túy còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; vẫn còn một số đồng bào bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ theo theo “tà đạo”, tổ chức tự xưng; tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra,…
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đã đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở giải pháp thiết thực để huyện Mường Lát tiếp tục tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế từng vùng, khu vực. Cùng với đó, Nhà nước có các chính sách hỗ trợ để đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, có những chính sách còn vướng mắc, khó thực hiện như hỗ trợ đất ở, nhà ở… Với chức năng, nhiệm vụ của mình Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, đóng góp ý kiến sửa đổi Luật đất đai; trong đó có các chính sách về đất đai đối với vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay có 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và một số nội dung mà không những địa phương Thanh Hóa, nhiều tỉnh khác cũng kêu khó thực hiện. Hiện nay ủy ban Dân tộc đang tham mưu cho Chính phủ tiếp tục điều chỉnh một số tiêu chí. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng lưu ý các địa phương bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thì cần chú trọng vào tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu kết luận tại buồi khảo sát, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao những kết quả mà huyện Mường Lát đạt được trong công tác dân tộc, công tác dân vận thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ, những kinh nghiệm, cách làm của các địa phương là rất thiết thực, do đó, các địa phương cần trao đổi, học tập để nhân rộng và áp dụng trên thực tế. Đồng chí đề nghị địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Đoàn khảo sát cũng ghi nhận những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổng hợp chuyển đến Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét tháo gỡ nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về dân tộc.
Trước khi có buổi khảo sát tại Huyện ủy Mường Lát, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW tại xã Pù Nhi.