Để chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập tái phát và lây lan trên địa bàn huyện. Ngày 31/10/2023, UBND huyện Mường Lát ban hành Công văn số 2771/UBND-NN về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện, Giám đốc TTDVNN huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn các phòng ban, ban ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã, thị trấn về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng; phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; các biện pháp phòng dịch như vệ sinh sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học,...
- Tổ chức rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ chăn nuôi lợn, số lượng từng loại lợn trên địa bàn quản lý; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; khi xuất hiện lợn ốm chất phải lập bản cam kết với hộ chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và thực hiện xử lý đúng quy định phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, báo cáo chậm, giấu dịch bệnh.
- Tổ chức quản lý chặt chẽ tổng đàn lợn, đặc biệt là công tác quản lý con giống đảm bảo không để tái phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi; không cho chăn nuôi đối với các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo điều kiện chăn nuôi theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 23/2019/TTBNNPTNT ngày 30/11/2019. Xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi không khai báo, không đảm bảo điều kiện để xảy ra dịch bệnh và không thực hiện hỗ trợ kinh phí khi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh đối với những trường hợp vi phạm theo quy định.
- Tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, nhất là công tác quản lý vận chuyển lợn giống; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng các loại vắc xin phòng dịch bệnh bắt buộc theo quy định cho đàn lợn (vắc xin Dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng lợn, tai xanh, lở mồm long móng…), đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng được giao đợt 2 năm 2023.
- Tập trung tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao, thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023” trên địa bàn huyện.
- Rà soát, củng cố, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả công tác phòng, chống dịch định kỳ, đột xuất theo quy định.
2. Phòng NN&PTNT huyện:
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện nghiêm quy định về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đặc biệt là các điều kiện tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học…
Tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn công tác để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tham mưu cho UBND huyện chuẩn bị dự phòng đầy đủ các loại vật tư, phương tiện, hóa chất sát trùng, vôi bột, kể cả vật tư lấy mẫu xét nghiệm phát hiện lợn bệnh.
3. Trung tâm VHTT,TT&DL huyện:
Chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở tiếp tục tuyên truyền đến người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng; phổ biến, nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học trên địa bàn; phối hợp với đơn vị chuyên môn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định; các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh, tuân thủ các quy định của cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.

4. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện:
Phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn, vệ sinh thú y phòng bệnh; hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống đẩy mạnh việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn.
Phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn huyện. Tham mưu xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm.
Phân công cán bộ bám sát địa bàn hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023.
5. Các phòng, ngành, đơn vị; thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện:
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, địa bàn phân công phụ trách, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể huyện:
Tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và chỉ thực hiện tái đàn, tăng đàn khi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.