Sáng ngày 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương để ứng phó với bão số 3. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố, các xã phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh dự hội nghị. Hội nghị được kết nối tới 166 điểm cầu tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Tại điểm cầu xã Mường Lát, đồng chí Trịnh Văn Thế, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã chủ trì hội nghị.
Sáng 19/7, cơn bão có tên quốc tế là Wipha đã đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão còn tiếp tục mạnh lên (sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 15). Từ ngày 21-22/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm.
Tính đến 9 giờ sáng 20/7, bão cách đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng 670 km. Sức gió càng ngày càng tăng lên, dự báo đạt cấp 12 trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Dự báo sáng mai (21/7), bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14; sau đó đổ bộ vào đất liền Bắc bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7.
Từ ngày 21/7 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình, triển khai phương án ứng phó với bão.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Ngay sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão. Trên tinh thần “4 tại chỗ”, các ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là ở những nơi xung yếu. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão tại các địa phương, các tỉnh, thành phố, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến với người dân ứng phó với bão, lũ, bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo, khu vực ven biển, trên đất liền và miền núi. Công tác dự báo cần cập nhật liên tục với số liệu đầy đủ, chính xác phục vụ các lực lượng trên biển và người dân chủ động phòng tránh bão an toàn; tăng cường phối hợp trao đổi với cơ quan dự báo thủy văn các quốc gia để có sự kiểm soát khi bão đổ bộ vào đất liền. Cơ quan khí tượng thủy văn cần cập nhật thường xuyên bản đồ về ngập lụt ở đô thị, lũ quét, lũ ống sạt lở ở các tỉnh vùng núi cao, để sớm có phương án thực hiện di dời dân cư. Ban chỉ huy các cấp cần có sự vào cuộc của các lực lượng, chuẩn bị chu đáo nhất với mục tiêu không để có thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương để triển khai công tác phòng, chống Bão số 3.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: Việc chủ động ứng phó với Bão số 3 là nhiệm vụ cấp bách, yêu cầu các cấp, ngành quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe người dân và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan với diễn biến phức tạp của bão. Các lực lượng phải thực hiện nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra. Ngay sau cuộc họp này, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương phải trực tiếp kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị ứng phó bão; nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời để tỉnh có phương án chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...