MƯỜNG LÁT - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 250 km, có hơn 103 km đường biên giới tiếp giáp với 02 huyện Sốp Bâu, Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 81.461ha. Dân số hiện nay là 8.952 hộ với 43.120 nhân khẩu. Có 06 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh. Toàn huyện có 08 đơn vị hành chính cấp xã, với 88 thôn, bản, khu phố. Nơi đây có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, mặt bằng dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn manh mún lạc hậu, một số hủ tục còn nặng nề; cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của tỉnh. Mặt khác, trong hai năm 2020 và 2021 dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân.

Một góc huyện Mường Lát nhìn từ trên cao xuống

Những năm 2020 - 2022 trở về trước, Mường Lát vẫn còn 26 bản chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nhà văn hóa; nhiều bản chưa có đường ô tô đến bản; đời sống của bà con Nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao… 

Vượt qua những khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với định hướng sát sao, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, huyện Mường Lát đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương cùng sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của BTV Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ưu tiên ban hành với mục tiêu sớm đưa Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

…Hành trình khai mở…

Sau 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11, diện mạo nông thôn mới Mường Lát đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có 30 bản đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2024, xã Mường Chanh sẽ về đích nông thôn mới và có thêm 06 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa ước đạt 73%, bằng 100% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng triển khai và lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình MTQG, các chính sách của Trung ương, của tỉnh. Tỷ lệ tăng thu ngân sách, bình quân giai đoạn 2022-2024 ước đạt 47,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 03 năm ước đạt 2.209 tỷ đồng, bằng 104,9% so với kế hoạch; thành lập mới 36 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng. .. Công tác an sinh xã hội, các chế độ chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượngTỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm khoảng 11,04%, bằng 150,59% kế hoạch.

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 70 khu, bản đạt danh hiệu văn hóa; 67,3% gia đình văn hóa. Hệ thống thông tin tuyên truyền được duy trì, phát triển với 01 Trung tâm Văn hoá, thông tin, thể thao và du lịch cấp huyện; 5/8 xã, thị trấn đã được đầu tư Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, 03 xã đang triển khai lắp đặt. Phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, huyện đã và đnag triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát với việc đưa điểm dừng nghỉ, điểm ngắm cảnh phục vụ du khách tại đỉnh dốc Cổng trời xã Trung Lý vào khai thác, sử dụng; đang triển khai một số điểm như Sài Khao xã Mường Lý, Suối Tút xã Quang Chiểu, bản Lát xã Tam Chung...

Những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước

Giáo dục, đào tạo tiếp tục được quan tâm, với 99% học sinh Tiểu học hoàn thành các môn học; trên 95% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong giai đoạn 2022 – 2024, huyện có thêm 05 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 15/31 trường, đạt tỷ lệ 48,4%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 22,5%. Phấn đấu đến hết năm 2024, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một trong những điểm nhấn không thể không nhắc tới của Mường Lát sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, đó là bình quân tốc độ phát triển giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 3,36%; thu nhập bình quân đầu người tính đến hết năm 2023 đạt 25,5 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 597 tỷ đồng, tăng 4% hằng năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt 14.611 tấn/năm. Đến nay huyện có 04 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: thịt trâu gác bếp Dì Ốc, măng khô Chung Thành, bí thơm Đồng Sa, gạo nếp Cay Nọi. 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 321 tỷ đồng tăng 01 % so với cùng kỳ năm trước. Các công trình, dự án được triển khai khẩn trương, đúng tiến độ. Thương mại - dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển đa dạng, hiện đã phủ sóng di động đến 85/88 bản, khu phố. Toàn huyện có 05 chợ đang hoạt động ổn định.

Cánh đồng lúa ruộng bậc thang xanh mướt

Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được triển khai thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 72%. Cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chủ động triển khai thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự với phương châm “4 tại chỗ”, qua đó kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. ANCT, trật tự ATXH, nội ngoại biên được giữ vững, ổn định, khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc; các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma tuý từng bước được đẩy lùi. Từ năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 164 vụ/242 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy.

Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường, qua đó đã tổ chức thành công Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực giữa huyện Mường Lát với huyện Sốp Bâu và Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2022-2024 và giai đoạn 2024-2026. Phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy rừng, chuyển giao khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, hỗ trợ thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn. Trong giai đoạn này, huyện đã khám và điều trị cho 2.809 lượt bệnh nhân Lào. 

Đoàn đại biểu nước bạn Lào sang thăm, chúc Tết huyện Mường Lát

Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong những năm qua huyện đã quan tâm, mở 65 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, với 4.334 học viên và lượt người tham gia học tập. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên, bình quân hàng năm có trên 96% đảng bộ, chi bộ trực thuộc xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đã xem xét kết nạp 208 quần chúng ưu tú vào Đảng, chuyển đảng chính thức cho 186 đảng viên dự bị, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 2.845 đảng viên. Từ năm 2022 đến nay, toàn Đảng bộ đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra, 13 cuộc giám sát đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; ra quyết định thi hành kỷ luật 28 đảng viên. Duy trì hiệu quả 8 mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Lớp Sơ cấp lý luận chính trị năm 2024

Hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện  tích cực đổi mới phương thức hoạt động; chủ động, tích tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Thường xuyên bám nắm cơ sở, kịp thời lắng nghe và giải đáp những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thông qua các Kỳ họp, hoạt động đối thoại, TXCT,...qua đó hạn chế tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

...Bứt phá vươn lên...

Với nỗ lực bứt phá vươn lên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI gắn với thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Tỉnh, huyện Mường Lát đã huy động được trên 800 tỷ đồng thực hiện các chương trình, dự án; khơi dậy khát vọng vươn lên của mỗi người dân, tích cực triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Đến tháng 6 năm 2024, toàn huyện đã khởi công xây dựng được 5/22 công trình, dự án về đầu tư, phát triển mạng lưới trường, lớp học; dự kiến đến hết năm 2024 sẽ khởi công xây dựng 17 công trình còn lại; 100% các bản đều đã có đường ô tô đến bản, có điện lưới và có nhà văn hóa. Đặc biệt, thực hiện Đề án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 4845 ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh, đến nay huyện Mường Lát đã tổ chức di rời được 453 hộ/753 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2023 ước đạt 25,02 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 39,3%; Tỷ lệ dân số tham gia BHYT giai đoạn 2020 - 2023 bình quân đạt 99%/năm. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được quan tâm, phát triển trên cả 3 mặt “chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Đến nay, trên địa bàn huyện có 03 Đảng bộ xã, với 24 chi bộ dưới cơ sở trực thuộc Đảng bộ các xã Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý thuộc Kết luận 50, với 325 đảng viên…; tập trung xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình “Chính quyền Dân vận khéo”, 8 mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” theo Kết luận số 684 ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác Dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa” giai đoạn 2021 -2025 gắn với phát triển các mô hình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm cho người lao động;…Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông; ngăn chặn các hoạt động tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy và tệ nạn xã hội; vận động nhân dân không di cư tự do, vượt biên; không học và truyền đạo trái pháp luật.

Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc

Chặng đường phấn đấu đưa Mường Lát cơ bản thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030 chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức, song Cấp uỷ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn sẽ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tập trung huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đến hết năm  2025 phấn đấu đến có thêm 01 xã và 07 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Lan toả sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc; thúc đẩy hoạt động du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp, trải nghiệm theo hướng ngày càng phát triển. Tiếp tục duy trì mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa 03 huyện Mường Lát - Viêng Xay - Sốp Bâu, hợp tác cùng phát triển. Tăng cường xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; nâng cao hiệu quả, hiệu lực chỉ đạo, điều hành, giám sát cùa HĐND, UBND các cấp; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng huyện Mường Lát ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Hồ Thuỷ