Chủ động, tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lũ

UBND huyện Mường Lát vừa có Công văn số 1990/UBND-NN về chủ động, tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lũ.

Thực hiện Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 22/07/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung ứng phó với bão số 02 và mưa lũ.

Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 22/7/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc, 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h. Từ đêm ngày 22/7/2024, ở khu vực Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông (trong mưa dông cần đề phòng có lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh); lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thành viên Ban chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS huyện tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:

1. Ủy ban nhân các xã, thị trấn: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó:

- Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

- Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

- Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê thủy lợi và các công trình cơ sở hạ tầng.

2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp, an toàn hệ thống điện.

3. Phòng Kinh tế - Hạ tầng theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

4. Các Phòng, ban, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động phối hợp với địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định.

5. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Các Đồn Biên phòng, Công an huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.

6. Trung tâm VH, TT,TT&DL huyện tăng cường thời lượng phát tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó đê giảm thiệt hại do thiên tai.

7. Trạm khí tưởng thủy văn huyện tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT).

Đề nghị Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện quan tổ chức, triển khai thực hiện.

Tin, ảnh: Tuấn Bình