Huy động nguồn lực xã hội hoá giúp người dân phát triển kinh tế từ nghề trồng rừng
Xác định rõ vai trò của trồng rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2024, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huyện Mường Lát đã huy động nguồn lực từ xã hội hóa để hỗ trợ người dân trồng rừng.

Nhằm nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024 huyện Mường Lát đã kêu gọi được trên 200 triệu đồng (trong đó, 100 triệu đồng do đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ kêu gọi từ Câu lạc bộ Golf Thanh Hoá hỗ trợ; số tiền còn lại huyện đã huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân trên địa bàn huyện) để hỗ trợ cho 20 hộ gia đình tiến hành trồng cây Trẩu trên diện tích 22,41 hetta đất rừng sản xuất tại 3 bản Kéo Té (xã Nhi Sơn), bản Na Tao và bản Cơm (xã Pù Nhi).

Gia đình anh Thao Văn Cụa ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát có diện tích 10 hetta đất rừng sản xuất; năm 2012 gia đình anh đã tham gia trồng 4 hetta rừng theo Dự án 147. Đến nay, khi có chủ trong hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ nguồn vốn xã hội hoá, gia đình anh đã mạnh dạn đăng ký trồng gần 3 hetta cây trẩu và được huyện hỗ trợ giống hạt Trẩu, công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trẩu...
Anh Thao Văn Cụa, bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của cấp trên, gia đình tôi đã đăng ký trồng gần 3 hetta cây trẩu; gia đình tôi sễ cố gắng chăm sóc cây trẩu thật tốt để sau này có nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, sớm thoát nghèo”.

Trẩu là loại cây sinh trưởng nhanh, thích nghi rộng ở nhiều vùng sinh thái và chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, được huyện Mường Lát đánh giá là loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Từ năm 2021 huyện Mường Lát đã lựa chọn và bắt đầu đưa cây Trẩu vào trồng thử nghiệm tại khu phố Chiên Pục (thị trấn Mường Lát) và bản Cân, Tân Hương (xã Tam Chung) với diện tích hơn 11 hetta nâng tổng diện tích lên 50 hetta trồng trên đất rừng sản xuất. Năm 2022, huyện tiếp tục trồng được 50 hetta cây Trẩu trên đất rừng sản xuất và 20 hetta đất rừng phòng hộ tại bản Suối Lóng (xã Tam Chung). Năm 2023, đã trồng xen canh cây Trẩu và cây Tếch được 29,57 hetta. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện tiếp tục mở rộng và trồng mới cây Trẩu với diện tích 35 hetta đất rừng phòng hộ và 70 hetta đất rừng sản xuất. Hiện nay, cây Trẩu được người dân trồng trong rừng sản xuất của hộ gia đình đã cho thu hoạch 1 năm lên đến 100kg quả/vườn, với giá bán 10 nghìn đồng/1kg hạt tươi làm giống và từ 12 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/1kilogam hạt khô.
Việc phát triển cây Trẩu sẽ giúp người dân Mường Lát cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, cải thiện sinh kế cho bà con đồng bào vùng cao; góp phần nâng cao độ che phủ rừng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.
Bài, ảnh: Tuấn Bình