Nỗ lực để Mường Lát thoát nghèo

Nhiều năm trở về trước, mảnh đất biên cương Mường Lát, nơi tận cùng xứ Thanh này bị bao trùm bởi đói nghèo, ma túy và những hủ tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Những nếp nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh bên sườn núi, oằn mình đi qua cái đói lay lắt mùa giáp hạt. Những ngọn đồi tràn ngập cây anh túc, không có chỗ cho cây lúa, cây ngô sinh sôi phát triển. Thêm vào đó là những cái "không" về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất còn lạc hậu làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân càng khó khăn thêm.

Một góc Thị trấn MƯờng Lát

Từ trong gian khó, nhưng với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội; đồng bào các dân tộc Mường Lát luôn kề vai sát cánh, thủy chung gắn bó, đoàn kết anh dũng đấu tranh bám đất, bám rừng, cần cù lao động để gieo trồng lên những mầm xanh tươi tốt, làm thay đổi diện mạo quê hương, tạo nên một Mường Lát tràn đầy khát vọng, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Có được kết quả đó là nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước với nhiều đề án cụ thể hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là sự sát cánh của chính quyền địa phương với bà con trong việc triển khai các mô hình kinh tế.

Người dân Mường Lát thu hoạch lúa vụ Chiêm

Bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, vững tin với truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nhất trí và những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của những nhiệm kỳ trước, toàn huyện quyết tâm thực hiện 27 chỉ tiêu chủ yếu; 3 chương trình trọng tâm là: Quy hoạch lại vùng sản xuất, để phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; phát triển một số cây trồng chủ lực gỗ lớn như lát, trẩu, thông... và các loại cây ăn quả như đào, mận, chuối; rau, củ, quả, các cây dược liệu, gắn với phát triển chăn nuôi. Huy động nguồn lực tổng hợp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo môi trường ổn định lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, thực hiện tốt 2 khâu đột phá là: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong chỉ đạo tuyên truyền làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và công tác đánh giá cán bộ, công chức hàng năm. Tập trung quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng như giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch và các khu tái định cư gắn với xây dựng các bản nông thôn mới.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm tạo chuyển biến tích cực; đạt và vượt kế hoạch nhiều tiêu chí đã đề ra. Đến nay có 04/27 chỉ tiêu đạt và vượt theo kế hoạch; 20/27 chỉ tiêu ước đạt theo kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 5,29%/năm (bằng 76% so với mục tiêu Đại hội). Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2023 ước đạt 25,02 triệu đồng, bằng 100,08% mục tiêu đại hội; Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 ước đạt 39,3%, giảm 16,8% so với năm 2021, bình quân giảm 8,4%/năm; đạt 119,7% mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (giảm từ 7%/năm trở lên); Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn, công sở xã, nước sinh hoạt, các công trình giao thông, thủy lợi, khắc phục thiên tai, xây dựng các khu tái định cư và các công trình phụ trợ khác… được quan tâm đầu tư; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông (không tính quốc lộ và tỉnh lộ) trên địa bàn là 65% (năm 2023), bằng 86,7% so với kế hoạch (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 75%) . Cùng với đó là dịch vụ thương mại trên địa bàn cũng phát triển khá đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt là tại khu vực thị trấn hoạt động thương mại diễn ra khá sôi động, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trao đổi hàng hóa, mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Công tác quân sự, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quan hệ hữu nghị với các huyện giáp ranh với nước bạn Lào tiếp tục được duy trì và phát triển. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị cơ bản thực hiện đảm bảo theo tiến độ.

Đền thờ Tư Mã Hai Đào tại Khu phố Tén Tằn, Thị trấn Mường Lát

Kinh tế thay đổi là tiền đề để văn hoá phát triển. Mường Lát được biết đến không chỉ là địa bàn trọng yếu vùng “thượng nguồn sông Mã” mà còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cảnh sắc nên thơ, những con sông, dòng suối hùng vĩ, những bản làng trập trùng bên sườn núi, những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn truyền thống, những ngôi nhà Trình tường được làm hoàn toàn bằng đất… hòa vào đó là sắc màu của truyền thống văn hóa đa dân tộc; những danh thắng như: Đền thờ Tư Mã Hai Đào, Chùa Đại Hóa (tại khu phố Tén Tằn, Thị trấn Mường Lát), bia tưởng niệm đoàn quân Tây tiến (tại bản Sài Khao, xã Mường Lý)… Vẻ đẹp của Mường Lát vào mùa xuân càng được tô điểm thêm bởi những rừng đào đá cổ thụ bất chấp cái lạnh giá của thời tiết đua nhau nở rộ, khoe sắc bên những sườn đồi trùng điệp; những đóa mận trắng mong manh rung rinh trong gió núi, khoe sắc giữa đại ngàn; những nẻo đường quanh co, khúc khửu; những “thiên đường mây” hư ảo, bềnh bồng phiêu lãng như biển bông trắng xóa… là những tiềm năng để Mường Lát phát triển du lịch.

Có thể khẳng định, các chính sách, chương trình mục tiêu, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện Mường Lát đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; từng bản làng nghèo, từng số phận đặc biệt khó khăn đang giảm dần, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đang ngày càng cải thiện, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền đang được nỗ lực từng bước thu hẹp... Song, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước; kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội…

Xác định Mường Lát là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh, có đường biên giới dài, nhiều đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mông sinh sống; bởi vậy việc tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức của người dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa là một việc làm rất cần thiết.

Chính vì vậy, ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết đặc thù mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ dành riêng cho Mường Lát, điều này đã mở ra cơ hội mới cho huyện biên giới (nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả tỉnh) một hướng phát triển mới.

Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2030 đó là: Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, có một số sản phẩm đặc sản; khôi phục, bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quốc phòng - an ninh được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo. Đến năm 2045, kinh tế- xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, là tỉnh đã trao cho huyện hướng đi mới có lộ trình cụ thể, có cơ chế, chính sách rõ ràng để thoát nghèo bền vững. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát. Chính vì vậy, Mường Lát sẽ nỗ lực vận dụng, phát huy những cơ chế, chính sách mới này một cách tốt nhất trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Chặng đường phía trước đang mở ra cho Mường Lát nhiều thách thức cũng như thời cơ, thuận lợi. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh,  Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách từng bước thoát nghèo bền vững, xây dựng huyện Mường lát ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Bài, ảnh: Tuấn Bình