Mường Lát: Những kết quả bước đầu triển khai thực hiện Đề án 06 phục vụ chuyển đổi s

Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hoá. Năm 2022, là năm đầu tiên triển khai thực Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở, đến nay sau 01 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện Mường Lát đã đạt được những kết quả bước đầu.

Công an huyện tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNEID cho học sinh trường THPT Mường Lát

Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06 đối với việc chuyển đổi số, Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt thực hiện các giải pháp với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay, huyện đã thành lập được 1 Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện với 12 thành viên; 01 Tổ giúp việc Đề án 06 cấp huyện với 7 thành viên; 8 Tổ công tác Đề án 06 cấp xã và 88 Tổ công tác Đề án 06 các bản, khu phố trên địa bàn huyện với 440 thành viên. Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chức năng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền về việc cấp, kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử cho công dân biết, hưởng ứng tham gia. Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng như: Tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh của huyện, xã, bản, khu phố; Niêm yết tranh ảnh, áp phích tuyên truyền về định danh điện tử, dịch vụ công tại trụ sở tiếp dân của cơ quan, đơn vị; Đăng tải các tin bài tuyên truyền trên các trang fanpage của Công an, các cơ quan, đơn vị; Trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn khi công dân đến đăng ký, giải quyết thủ tục hành chính; Giao diện, Eform trên cổng dich vụ công cơ bản thân thiện với người dùng, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và điền đầy đủ thông tin hồ sơ theo hướng dẫn trên trang chủ dịch vụ công…

Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Do đó, khi thực hiện Đề án công tác an toàn, an ninh thông tin luôn được chú trọng hàng đầu. Theo đó, đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, huyện đã rà soát, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (DLQG về DC) với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo đúng tiến độ đề ra. Số hồ sơ đã xác thực là 6.741/6.741 hồ sơ đóng bảo hiểm; việc thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được lưu dưới dạng các thông tin chi tiết; 100% người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân(CCCD) gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế tại 2 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm  y tế là Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện với tỷ lệ thành công đạt 99,67%. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở DLQG về DC với cơ sở dữ liệu sổ sức khỏe điện tử - Bộ y tế. Tính đến ngày 15/12/2022 đã nhập liệu, đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu tiêm chủng Covid là 22.531 trường hợp tiêm mũi 1; 22.421 trường hợp tiêm mũi 2; 3.971 trường hợp tiêm mũi 3; 2.946 trường hợp tiêm mũi bổ sung. Việc kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống Cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuế, Cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện; Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu trẻ em; Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo đã được hoàn thành. Cập nhật thông tin hội viên hội Người cao tuổi cho 702 trường hợp, hội viên hội Nông dân cho 1.828 trường hợp.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tính đến ngày 15/12/2022, công an huyện đã thu nhận 27.285 hồ sơ CCCD làm CCCD gắn chíp; Số lượng hồ sơ định danh điện tử (ĐDĐT) đã thu nhận là 8.780 hồ sơ, trong đó: 2.924 tài khoản ĐDĐT mức độ 1 và 8.780 tài khoản ĐDĐT mức độ 2. Công an huyện đã triển khai quyết liệt các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, chia sẻ làm giàu dữ liệu. Với kết quả, đã rà soát, cập nhật các trường hợp thiếu chứng minh Nhân dân 9 số cho 2.881 trường hợp; Rà soát, làm sạch dữ liệu nghi trùng thông tin công dân trong và ngoài tỉnh cho 42 trường hợp; Rà soát, bổ sung các trường hợp thiếu thông tin công dân cho 672 trường hợp; Thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ cấp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho 108 trường hợp bị sai lệch cấu trúc số định danh cá nhân; Tiến hành thực hiện Kế hoạch tổng kiểm tra cư trú trên địa bàn huyện với 8.994 hộ, 42.3816 nhân khẩu, đạt 100% số hộ, nhân khẩu trên địa bàn.Vận động, hướng dẫn 235 công dân thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử hiện đang có mặt tại địa phương; phát hiện và xử lý 32 đối tượng vi phạm pháp luật về cư trú. Việc số hóa đối với dữ liệu hộ tịch đạt 100%; dữ liệu cư trú, CCCD đạt 97,21%.  Đối với nhóm tiện ích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đến nay, hệ thống Cơ sở DLQG về DC đã sẵn sàng phân tích, cung cấp các thông tin cơ bản về dân cư để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cùng với quá trình kết nối làm giàu dữ liệu, các thông tin cung cấp từng bước toàn diện hơn, phục vụ các mục đích đa dạng trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp huyện, cấp xã.

Mường Lát là một huyện vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn thấp. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số của toàn huyện. Do đó, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn thấp, dẫn đến việc tiếp cận, sử dụng internet để thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính trên môi trường mạng còn nhiều khó khăn. Số người dân sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet còn ít. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Đề án 06, lợi ích đem lại và quy trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, cấp tài khoản định danh điện tử… đến đông đảo Nhân dân trên địa bàn huyện. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn cần chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị gương mẫu sử dụng và tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, nhân dân nơi cư trú sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến, tham gia cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử. Từ đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin của công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn huyện nhà.

Bài, ảnh: Hồ Thuỷ