Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 triển khai Đề án 06.

Sáng ngày 09/8/2022, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06 chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 triển khai Đề án về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa chủ trì Hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các Bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 04/13 nhiệm vụ chung và 01/8 nhiệm vụ cụ thể.

Tính đến nay đã đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), góp phần tiết kiệm chi phí lớn, đồng thời hiện nay đang triển khai dịch vụ công trực tuyến đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 04 doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn  Điện lực Việt Nam, Viettel, Vinaphone, Mobifone) và 14 địa phương. Ngoài ra đã triển khai các giải pháp hỗ trợ các Đoàn thể xây dựng hệ thống dự liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng; triển khai kết nối các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ và cấp 7.837 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đã nghiên cứu triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chip điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực như: Sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm phục vụ người dân đi khám bệnh; triển khai thí điểm xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân tại các quầy giao dịch của 05 Ngân hàng; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Công an tỉnh với việc hoàn thành 9/11 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Việc rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của Đề án…

Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tưởng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

(nguồn: baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đề án 06 nhằm cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau khi được phê duyệt, Đề án đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu trong năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ phải khẩn trương triển khai; có những việc chúng ta nhìn thấy nguy cơ khó hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ ngay từ bây giờ.

Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên tục đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, vừa triển khai nhiệm vụ trước mắt, vừa hoạch định nhiệm vụ lâu dài; đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn phù hợp lợi ích quốc gia, tránh lãng phí nguồn lực. Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong phát triển chuyển đổi số để thực hiện thành công Đề án. Đồng thời tập trung triển khai thành công hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin và là bộ phận không thể tách rời trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt; xử lý nghiêm các trường vi phạm; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, không cầu toàn, không nóng vội, làm chắc chắn, thận trọng, quyết liệu, kịp thời, hiệu quả. Trước mắt tập trung chỉ đạo triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phát đã được xác định. Để thực hiện thành công Đề án, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm cũng như ý nghĩa của việc vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp và việc huy động các nguồn lực thực hiện Đề án. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện phải gắn với kiểm tra, đánh giá nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước, cho Nhân dân./.

 

Theo Bích Phương Báo Thanh Hóa