Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thời gian qua, phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Lát đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Với phương thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, đến nay phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 126 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả 88 bản, khu phố trên địa bàn huyện; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 8/8 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một Ngân hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ của Ngân hàng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã thực hiện hơn 85% khối lượng giá trị giao dịch ngay tại xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, bản, tổ dân phố của xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng nhanh, thuận lợi. Đến 30/4/2024, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 441 tỷ đồng với 7.064 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác con dư nợ. Tăng so với năm 2014 là 251 tỷ đồng.

Đặc biệt từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn khó khăn, song hàng năm Uỷ ban nhân huyện Mường Lát đều quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, tổng số tiền uỷ thác của UBND huyện là 2.507 triệu đồng để thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, góp phần tăng tỷ lệ hộ được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện; hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên bổ sung và kiện toàn 8/8 Chủ tịch UBND xã, thị trấn tham gia thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, từ đó hoạt động của tín dụng chính sách tại địa phương được chính quyền hiểu rõ và nắm bắt kịp thời nên việc giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện được minh bạch, hiệu quả; gắn công tác cho vay tín dụng chính sách với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ lên tới gần 300 tỷ đồng, tăng 196,6 tỷ đồng so với năm 2014 với trên 5 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; 37 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập; 269 lao động được vay vốn giải quyết việc làm; 1.230 đối tượng đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài; 463 công trình NS&VSMT; cho vay về nhà ở cho 61 hộ nghèo và các đối tượng chính sách….

Một trong những hộ được hưởng lợi từ tín dụng chính sách là gia đình anh Vi Văn Quang, sinh năm 1996, khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát là một tấm gương điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để sản xuất, kinh doanh.
Vốn là người dân tộc Thái, sau khi học hết cấp 2, năm 2012, anh Quang đi học nghề sửa chữa xe máy rồi về mở quán sửa xe. Giữa năm 2023, thấy vườn đu đủ rộng gần 1ha của Chi hội phụ nữ khu phố nhìn xanh mướt, có "view đẹp" mà bị bỏ hoang, anh tiếc nuối.
Không muốn công sức của các bà, các mẹ dày công chăm sóc "đổ sông, đổ bể", anh Quang xin phép chính quyền và bàn bạc với Chi hội trưởng hội phụ nữ khu phố được tiếp quản khu vườn. Mục đích ban đầu của anh thu hết lứa quả sẽ cải tạo đất, trồng giống đu đủ đực lấy hoa.
Trong thời gian chờ thu hoạch đu đủ, anh Quang lên mạng tìm hiểu các mô hình làm giàu từ "cây nhà, lá vườn". Chàng thanh niên nhận ra, giới trẻ thích khám phá, tìm các điểm check-in và thưởng thức đồ ăn nên có ý tưởng phát triển vườn đu đủ thành điểm đón khách, vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, theo anh Quang, huyện vùng biên Mường Lát có nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo. Chỉ riêng vị trí của vườn đu đủ tiếp giáp với cửa khẩu Tén Tằn đã là lợi thế khi có rất đông du khách qua lại. Vì vậy, anh mạnh dạn bắt tay vào làm du lịch.
Nghĩ là làm, những lúc quán sửa xe vắng khách, chàng trai lên đồi đốn tre, luồng, thu gom cỏ làm mái tranh. Anh Quang mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện 90 triệu đồng vào việc mua vật dụng phục vụ quán ăn, thuê người phụ trách, làm chòi, hàng rào, các công trình phụ… để khởi nghiệp.
Ban đầu quán chưa có nhiều khách, ông chủ nỗ lực lên mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok để quảng bá. Anh cũng học cách gắn địa chỉ quán vào Google Maps để thuận tiện cho khách du lịch tìm đến. Nhờ đó, lượng khách đến khu vườn mỗi ngày một đông.
Đến nay, khách đổ về khu vườn của anh Quang săn ảnh với đu đủ, tham quan cửa khẩu, ngắm sông Mã, thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền Tây xứ Thanh và nước bạn Lào. Món ăn du khách yêu thích là thịt trâu gác bếp, măng luộc, canh đắng, bia Lào,…

Anh Quang cho biết: “Có những ngày ô tô, xe máy đậu kín cả đường dẫn vào vườn đu đủ. Hôm bùng nổ, quán tôi bán hơn 40 mẹt cỗ. Trung bình quán của tôi đón 100 lượt khách/ngày. Tháng đỉnh điểm tôi thu 30 triệu đồng từ việc bán đồ ăn cho khách”.
Hay như gia đình anh Hơ Chá Pó (sinh năm 1993) cũng ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo khó, làm lụng vất vả quanh năm không đủ ăn, đủ mặc, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Năm 2021, được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách mua bò sinh sản, đến nay gia đình có 5 con bò. Ngoài ra, nhờ việc trồng thêm sắn, lúa, ngô... cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước, không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt nữa.
Cùng bản với anh Pó, gia đình chị Thao Thị Dính (sinh năm 1962) cũng là một điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, chị được vay 50 triệu đồng mua bò sinh sản, hiện gia đình đã có 8 con bò, cuộc sống dần ổn định, có điều kiện mua sắm được các vật dụng, thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho bà con, giúp cho các hộ và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, từng bước vượt lên khó khăn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Mai Xuân Giang cho biết: “Thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, trong những năm qua, Thường trực Huyện uỷ, HĐND - UBND huyện đã luôn quan tâm chỉ đạo, phổ biến đến từng chi bộ, cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức hội đoàn thể. Đến nay, có thể khẳng định rằng Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống và tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn”.
Thực tế cho thấy, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã và đang đi vào cuộc sống và tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mường Lát; góp phần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động, việc kết nối sức mạnh chính trị và tín dụng chính sách mang lại những hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Góp phần giúp các hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Nhằm năng cao hơn nữa trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW thời gian tới, huyện Mường Lát tập trung kiện toàn, củng cố kịp thời thành viên trong Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện để chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; rà soát và đẩy nhanh tiến độ các chương trình cho vay, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao hằng năm. Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi mới, quyền và nghĩa vụ của người dân khi vay vốn; tăng cường đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi; hướng dẫn hộ vay xây dựng các mô hình làm ăn phù hợp, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.