Sáng ngày 17-1-2023, Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Lát tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
.jpg)
Năm 2022, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát đã thực hiện tốt việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng CSXH và Nghị quyết của Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc tham mưu cho chính quyền địa phương bố trí được 300 triệu đồng từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác tập trung huy động nguồn vốn, Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường được Ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, đặc biệt thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 258.576 triệu đồng, tăng 15.714 triệu đồng (+6,5%) so với năm 2021. Trong đó, nguồn vốn cân đối chuyển về từ trung ương đạt 186.225 triệu đồng, chiếm 72% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường đạt 65.140 triệu đồng , chiếm 25,2% (tăng 6.997 triệu đồng so với năm 2021). Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 7.211 triệu đồng, chiếm 2,8%.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát đã và đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách với cơ cấu dư nợ tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu là: Đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (222.077 triệu đồng); hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, ổn định xã hội (10.559 triệu đồng) và giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực (25.254 triệu đồng). Riêng năm 2022, doanh số cho vay đạt 92.451 triệu đồng (đạt 104,7% so với cùng kỳ năm trước); doanh số thu nợ đạt 77.037 triệu đồng (đạt 112,1% so với cùng kỳ năm trước).
Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn đạt 257.902 triệu đồng, tăng 15.426 triệu đồng so với đầu năm (+6,4%) và đạt 100% kế hoạch. Tăng trưởng dư nợ tập trung chủ yếu vào 4 chương trình tín dụng, gồm: Cho vay hộ nghèo (+20.745 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo (+4.003 triệu đồng); cho vay Nước sạch và VSMTNT (+549 triệu đồng) và Cho vay GQVL (+7.811 Trđ) . Trong năm 2022, đã có 1.785 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động (trong đó có 236 lao động đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, duy trì và mở rộng việc làm cho 175 lao động…); xây dựng thêm được 280 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tại địa phương...
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. NHCSXH đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để bổ sung nguồn vốn cho vay; chú trọng tới việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách thông qua việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV tại cơ sở; chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng tại địa bàn các xã, thị trấn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thực hiện nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với chính quyền xã, thôn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cơ quan có liên quan tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ xấu… Đến 31/12/2022, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 469,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,18% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 198,1 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08% (giảm 16,7 trđ so với năm 2021), nợ khoanh 271,4 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%.
Bên cạnh đó, để kịp thời tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, ổn định đời sống, NHCSXH còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đồng thời bổ sung nguồn vốn nhằm tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất kinh doanh. Kết quả trong năm 2022, đã trình Chủ tịch Hội đồng quản trị ra quyết định xử lý nợ đối với 05 món vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan với tổng số tiền gốc là 130 triệu đồng (trong đó: xóa nợ 01 món với số tiền 44 triệu đồng và khoanh nợ 04 món với số tiền 86 triệu đồng).
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách luôn được quan tâm, tăng cường và ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả. Trong năm 2022, Ngân hàng CSXH đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu nợ được 8 lượt xã, thị trấn, 12 lượt điểm giao dịch, 43 lượt Hội, 163 lượt Tổ và 5.167 lượt hộ vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất tại các Tổ TK&VV, các hộ vay vốn và các Điểm giao dịch xã, qua đó tạo sự gắn kết trách nhiệm và nâng cao hiệu quả trong hoạt động ủy thác. Qua kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, yếu kém tại cơ sở.
Để đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đề ra một số mục tiêu cụ thể như: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; Tăng trưởng dư nợ đạt từ 12% trở lên; Tăng trưởng huy động vốn tăng 06 tỷ so với năm 2022; Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,08%; Nguồn vốn ngân sách địa phương tăng 400 triệu đồng; Đẩy mạnh việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ; Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào bàn các giải pháp tăng trưởng tín dụng chính sách, phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay, làm rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023…
.jpg)
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát đề nghị các thành viên Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các Chương trình tín dụng chính sách; tiếp tục tham mưu cho Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong năm 2023… Kịp thời đưa chính sách tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn...