Ngày 11/01/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát đã ban hành kế hoạch số 07/KH-UBND về việc Phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng và thủy sản vụ Đông - Xuân 2022 - 2023 trên địa bàn huyện Mường Lát.

I. Nội dung thực hiện cụ thể như sau:
1. Đối với chăn nuôi: Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét, chống đói cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt đối với đàn gia súc ăn cỏ như (trâu, bò) bằng mọi hình thức, nguồn lực sẵn có tại địa phương:
- Dự trữ và bảo quản rơm, rạ, thức ăn thô xanh không để bị nấm mốc, tăng cường trồng, chăm sóc diện tích cỏ trồng qua Đông và các cây thức ăn khác như: Cây ngô trồng dầy, cây chuối, tìm kiếm các loại lá cây rừng đảm bảo cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ trong mùa Đông. Ngoài ra cần bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh (cám, bột ngô, bột sắn hoặc cháo ấm…), cho uống nước ấm pha thêm muối loãng để tăng khả năng chống rét.
- Bố trí người trực thường xuyên tại lán trại, khu vực chăn thả để chăm sóc, quản lý đàn trâu, bò.
- Gia cố chuồng trại, che chắn tránh gió lùa, chống rét bằng tấm phên đan từ tre nứa, hoặc bạt quây quanh chuồng trại.
- Giữ nền chuồng khô ráo, ấm áp và tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi (đốt củi, trấu gần chuồng trại); lót nền chuồng bằng rơm, rạ, trấu để gia súc ngủ, nghỉ có đủ nhiệt ấm.
- Không chăn thả gia súc và cho gia súc nghỉ làm việc, cho gia súc về chuồng trại trong những ngày mưa rét, khi nhiệt độ thời tiết dưới 120C.
- Chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo quy định và hướng dẫn của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, phát hiện nhanh các ổ dịch và xử lý kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
- Thường xuyên kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cho vật nuôi và sản phẩm động vật trên địa bàn.
2. Đối với trồng trọt:
- Hướng dẫn các hộ dân tăng cường chăm sóc các cây trồng vụ Đông bằng các biện pháp kỹ thuật như: Vun xới, tủ gốc, tạo mái che, phòng trừ sâu bệnh hại, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt để có khả năng chống chịu rét để đảm bảo đạt năng xuất, sản lượng theo kế hoạch đề ra.
- Đối với cây ngô đông: Trong giai đoạn ngậm sữa, chắc hạt, thưỡng xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện sâu, bệnh, nấm hại để phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
- Đối cây rau mầu khác: Áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới rửa sương vào buổi sáng sớm, để phòng tránh cháy lá khi có ánh nắng mặt trời.
- Cây lúa vụ Xuân: Đối với diện tích mạ gieo áp dụng các biện pháp như phủ bằng tro rơm, rạ để giữ ấm cho ruộng mạ, tưới nước thường xuyên không để ruộng mạ khô hạn và không bón phân đạm trong những ngày rét. Không gieo, cấy mạ khi nhiệt độ dưới 150C; áp dụng phương pháp làm mạ nền, mạ xúc, đặc biệt cần chuẩn bị nilon để che phủ toàn bộ diện tích mạ được gieo.
3. Đối với Thủy sản: Cần thực hiện công tác phòng, chống rét như sau:
- Điều kiện ao nuôi lưu qua Đông phải có độ sâu trên 1,5m chủ động nước, chắn gió, nếu ao không đảm bảo độ sâu phải đào chuôm có diện tích bằng 1/10 diện tích ao, sau đó tiến hành cải tạo và đưa cá nuôi vào nuôi với mật độ 2- 4con/m2 . Nếu nhiệt độ dưới 15oC thì ngừng cho cá ăn; trong suốt thời gian trú đông không dùng lưới bắt cá để tránh xây sát dẫn đến cá nhiệm bệnh và chết.
Thả bèo 1/3 đến ½ ao về phía Bắc để chắn gió, hoặc làm giàn có che phủ bạt, nilon, lá… để tránh gió lùa, tăng khả năng giữ nhiệt; dưới đáy ao dùng sọt rơm, rạ để cho cá trú Đông khi trời rét đậm, rét hại.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. UBND các xã, thị trấn
- Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng theo nội dung kế hoạch.
- Kiện toàn Ban chỉ đạo cấp xã, phân công thành viên phụ trách các bản/khu phố, huy động các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; huy động mọi nguồn lực sẵn có tại địa phương để thực hiện công tác phòng, chống đói, rét hiệu quả.
- Chỉ đạo thú y viên, công chức nông lâm nghiệp, các thành viên ban chỉ đạo xã, thị trấn và các trưởng bản, khu phố tăng cường công tác giám sát ổ dịch cũ; phát hiện sớm và xử lý triệt để ngay khi có ổ dịch mới xảy ra. Vận động các tổ chức, đoàn thể của địa phương tham gia giám sát dịch bệnh, báo cáo xử lý kịp thời, không dấu dịch.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, kiến thức trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi, tuyên truyền vận động cá nhân, tổ chức kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tuân thủ các quy định của Luật thú y.
- Thống kê các hộ có chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò), số hộ có dự trữ rơm rạ, thức ăn thô xanh, số hộ không dự trữ rơm, rạ; số hộ không có chuồng trại, không che chắn hoặc chuồng tạm bợ không đủ khả năng giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông; số hộ còn thả rông, số lượng gia súc còn thả rông để có biện pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng của địa phương.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ có chăn nuôi trâu, bò để có biện pháp chỉ đạo phòng, chống đói, rét đạt kết quả; các hộ không thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng nếu bị thiệt hại tự chịu trách nhiệm.
- Khi có gia súc chết, phải lập biên bản cụ thể từng trường hợp; Số lượng, chủng loại gia súc chết; địa điểm bị chết; ngày, tháng, năm chết; tháng tuổi; nguyên nhân chết (do không thực hiện công tác phòng, chống đói rét hoặc đã thực hiện công tác phòng, chống đói, rét).
- Cây trồng bị thiệt hại lập biên bản cụ thể về diện tích, chủng loại cây bị thiệt hại (%), nguyên nhân chết (do không thực hiện công tác phòng, chống rét hoặc đã thực hiện các công tác phòng chống rét).
- Duy trì chế độ thông tin, báo cáo vào các ngày 7,17 và 27 hàng tháng về tình hình ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông lâm nghiệp cho UBND huyện (qua phòng NN&PTNT) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; khi có thiệt hại về cây trồng, vật nuôi báo cáo ngày 01 lần bằng điện thoại về phòng NN&PTNT (qua đồng chí Hà Văn Tú, SĐT: 0372.558.978).
- Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi trong vụ Đông-Xuân như: Dự trữ rơm rạ khô, cỏ khô, các phụ phẩm nông nghiệp, trồng cây ngô dầy…, cho vật nuôi ăn thêm các loại thức ăn giàu đạm, đầy đủ vitamin để tăng cường sức đề kháng. Tu sửa chuồng trại, chuẩn bị phông, bạt và các loại vật liệu khác để che chắn chuồng trại và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo các biện pháp kỹ thuật như sau:
*Chăm sóc:
- Chuồng trại phải có mái che, không dột nát.
- Nền chuồng luôn khô ráo, có chất độn chuồng (bằng trấu, rơm rạ hoặc lá chuối khô, cỏ khô….)
- Những ngày rét hại, nhiệt độ xuống thấp dưới 120C, có sương muối về đêm cần:
+ Gia cầm phải nhốt trong chuồng trại và được sưởi ấm bằng bóng điện.
+ Gia súc nhốt trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; trâu, bò nên mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa cho ấm.
+ Cho trâu, bò nghỉ làm việc, đưa về chuồng chăm sóc và sưởi ấm bằng đốt lửa cạnh chuồng nuôi.
- Với thủy sản: Ao nên có độ sâu từ 1,2-1,5m chủ động nguồn nước; thả bèo ½-1/3 ao về phía Bắc để chắn gió, dùng rơm rạ khô đã sát trùng bằng nước vôi cho xuống đáy ao để cá trú Đông, ngày rét đậm cần dùng bạt, nilon che phủ mặt ao để tránh gió.
*Nuôi dưỡng:
- Đối với trâu, bò:
+ Cần tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
+ Bổ sung thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo, sắn với lượng 0,5gam/1kg thể trọng/ngày.
+ Cho trâu, bò ăn thức ăn thô xanh, ủ chua,….
- Đối với thủy sản: Cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ sung thêm vi taminC vào thức ăn để cá có sức đề kháng với bệnh tật cũng như chịu rét.
- Đối với lợn:
+ Cho ăn thức ăn, nước uống ấm.
+ Cho ăn bổ sung muối ăn NaCl với lượng 0,1gam/1kg trọng lượng.
+ Cho ăn bổ sung chất đạm trong khẩu phần ăn.
+Tăng hàm lượng thức ăn tinh như: cám ngô, cám gạo, sắn.
+ Cho uống B-complex, vitamin tổng hợp.
+ Cho ăn đủ thức ăn xanh, thức ăn ủ chua để cho lợn có đủ năng lượng chống rét và chống dịch bệnh có thể xảy ra.
- Đối với gia cầm: Cho ăn cám chất lượng cao, uống nước ấm, bổ sung chất khoảng, chất điện giải,…
* Phòng chống dịch bệnh:
- Biện pháp vệ sinh khử trùng:
+ Chuồng trại luôn quét dọn sạch sẽ hàng ngày, không để phân lưu lại nhiều ngày, phân rác phải đốt hoặc ủ để tiêu diệt mầm bệnh.
+ Sử dụng các phương pháp khử trùng tiêu độc như: quét vôi chuồng trại với tỷ lệ 2kg vôi sống/10 lít nước hoặc rắc vôi bột ở lối ra vào chuồng trại.
+ Sử dụng các loại thuốc khử trùng tiêu độc như: Han Iodine 10%, BenKocid…
+ Gia súc, gia cầm ốm phải cách ly, theo dõi và báo cáo cho nhân viên thú y xử lý điều trị kịp thời.
+ Không tự ý giết mổ gia súc, gia cầm ốm chết tránh lây lan dịch bệnh.
+ Khử trùng ao bằng cách rắc vôi bột với lượng 1-2kg/100m3 nước/02 lần/tháng.
- Phòng bệnh bằng vắc xin:
+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
+ Tẩy giun cho bê, nghé, lợn, gà; tẩy sản lá gan, tiêm ký sinh trùng đường máu cho trâu, bò.
2. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, cây trồng trên địa bàn các xã, thị trấn.
- Xây dựng dự toán kinh phí triển khai, thực hiện kế hoạch trên địa bàn huyện, báo cáo chủ tịch UBND huyện xem xét quyết định.
- Đề xuất các giải pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, cây trồng và thủy sản trên địa bàn cho UBND huyện có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.
- Tổng hợp báo cáo UBND huyện, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh theo quy định.
3. Phòng tài chính kế hoạch huyện
- Phối hợp phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thẩm định dự toán kinh phí phòng chống đói rét, cho vật nuôi, cây trồng động vật thủy sản trên địa bàn huyện trong vụ Đông-Xuân 2022-2023. Báo cáo chủ tịch UBND huyện quyết định.
4. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện
- Phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện; UBND các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống, đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, cây trồng, động vật thủy sản cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý: Đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền để người dân dễ biết, dễ làm, dễ thực hiện; trong công tác thông tin tuyên truyền luôn tuân thủ các quy định của công tác phòng chống dịch CoVid 19.
- Phát hiện kịp thời các ổ dịch gia súc, gia cầm, sâu bệnh hại cây trồng để phòng trừ hiệu quả; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật.
5. Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện
Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp kỹ thuật và phổ biến các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng và thủy sản để người dân hiểu, biết, áp dụng công tác phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng và thủy sản đạt hiệu quả.
6. Hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Phối hợp với các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn
Triển khai thực hiện công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng và thủy sản vụ Đông - Xuân 2022 - 2023. Phổ biến tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi cây trồng và thủy sản hiệu quả.
7. Các thành viên BCĐ phòng chống dịch động vật huyện
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi, cây trồng và thủy sản; báo cáo những khó khăn, vướng mắc về BCĐ huyện để xem xét giải quyết.