Tổng kết Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020”

Sáng ngày 25-11, tại huyện Mường Lát, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với huyện Mường Lát tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020”. Dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân Vận tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; lãnh đạo 3 huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và 132 đại biểu là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín ở các bản người Mông thuộc 3 huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3.479 hộ/ 17.131 nhân khẩu (chiếm 1,5% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh), cư trú tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Trước thực trạng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu kìm hãm sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào. Điển hình như, việc tổ chức đám hiếu của đồng bào Mông vẫn còn tồn tại nhiều nghi lễ, tập tục rườm rà, không phù hợp với quy định về thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Trước thực tế đó, ngày 25/6/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2181/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020”. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của huyện, của xã và sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín ở các bản người Mông.

Đến nay, sau 7 năm thực hiện Đề án, đã có 380 đám tang người dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ; 13/44 bản Mông có nghĩa địa tập trung; có 63/101 trưởng dòng họ, trưởng bản và người có uy tín ở các bản người Mông có văn bản cam kết thực hiện theo đúng nội dung Đề án; 8/44 Mông bản đạt danh hiệu văn hóa, 1.939/3.479 gia đình người Mông đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% số bản xây dựng hương ước và thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ…. Cùng với đó là những hủ tục lạc hậu trong tang lễ cơ bản đã được xóa bỏ, như: Tục bắn súng thông báo khi có người chế; Tục không đưa ngay thi thể người chết vào quan tài; Người chết để lâu trong nhà không mang đi chôn cất; Tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày tại gia đình có người chết.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án cũng gặp không ít khó khăn do các nghi thức trong tang lễ đồng bào Mông trải qua nhiều năm đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người; đồng bào hoài nghi sợ gặp rủi ro, ốm đau, hoạn nạn cho gia đình, dòng họ nếu không thực hiện tang lễ cho người chết theo truyền thống của ông cha bao đời nay; nhiều bộ phận người dân tộc Mông vẫn chưa nhận thức được việc đổi mới trong thực hiện tang lễ theo Đề án sẽ mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình.

Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào Mông, góp phần xoá các phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đồng chí Mai Văn Binh - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì Hội nghị

 Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích làm lãm rõ những tồn tại, hạn chế, cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời đề xuất cac giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Các tập thể và cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Các tập thể và cá nhân nhận Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Nhân dịp này, có 3 tập thể và 3 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Có 1 tập thể và 13 cá nhân được Ban Dân tộc tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020”.

Tin, ảnh: Tuấn Bình