Niềm hạnh phúc không trọn vẹn nơi vùng biên

Mường Lát là huyện có đường biên giới dài nhất tỉnh Thanh Hóa với nước CHDCND Lào. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân hai nước Việt - Lào đã cùng nhau vun đắp tình hữu nghị, keo sơn bền chặt, núi liền núi, sông liền sông. Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi có những mối tình đẹp đã được “đơm hoa, kết trái” giữa các cặp vợ chồng mang hai quốc tịch Việt - Lào. Thế nhưng, hầu hết những cuộc hôn nhân này là không hợp pháp, để lại những hệ quả pháp lý khó xử lý dứt điểm.Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu chuyện này qua bài viết “Niềm hạnh phúc không trọn vẹn nơi vùng biên” của phóng viên Tuấn Bình, Đài truyền thanh và truyền hình huyện Mường Lát. Mời quý vị quan tâm, theo dõi!

Trung tuần tháng 8, mặc dù những cơn mưa rào luôn thường trực ở vùng biên viễn xứ Thanh, thế nhưng, chúng tôi cũng quyết định ngược dòng sông Mã, tìm về xã Tén Tằn để hiểu về cuộc hôn nhân vốn được xem là không hợp pháp  giữa anh Đinh Văn Ính và chị Lương Thị Băn.  Anh Đinh Văn Ính, dân tộc Thái năm nay đã 46 tuổi, thường trú tại bản Tén Tằn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam còn Lương Thị Băn, 38 tuổi, thường trú tại bản Tát, huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào.

 Ảnh minh họa.    ( nguồn: Internet )

Cách đây hơn 20 năm, Ính sang Mường Khăm, nước Lào để làm thuê, rồi tình cờ quen Băn. Sau thời gian tìm hiểu, hai người quyết định đi đến hôn nhân. 20 năm chung sống, đến nay, Ính và Băn đã có với nhau 3 mặt con, thế nhưng, điều đáng nói ở đây là giữa 2 vợ chồng vẫn không hề có giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn. “Ngày trước, lúc đi theo anh Ính về huyện Mường Lát ( Việt Nam ) chị không mang theo một giấy tờ tùy thân nào, lúc ra UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn thì không làm được vì không đủ giấy tờ” chị Lương Thị Băn bộc bạch.

Thực tế là, nhiều cặp vợ chồng là người Việt Nam và người Lào không biết mình vi phạm pháp luật, là hôn nhân không hợp pháp, chỉ đến khi họ làm những thủ tục khám chữa bệnh hay học hành của con cái mới biết về những điều này. Câu chuyện của chị Lộc Thị Yến, 44 tuổi bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, với anh Lương Văn Ke 46 tuổi, ở bản Piềng Khạy, cụm Cum Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào là một trong những ví dụ.

Theo lời kể của người trong cuộc: Hơn 20 năm trước, Yến vốn là “bông hoa rừng” đẹp nhất, nhì của đất bản Sáng, thế nhưng, vì không thể tự chủ được bản thân nên chị Yến đã “mang thai ngoài ý muốn”. Còn anh Ke là một người đàn ông đã có vợ và 2 con, nhưng vợ Ke mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Năm 2002, Lương Văn Ke được người hàng xóm của Yến giới thiệu, anh quyết định băng suối, vượt đồi tìm đến nhà chị Yến thử vận may “chọc sàn tỏ tình”. Đồng cảm trước cảnh ngộ và cá tính thật thà của anh Ke, chị Yến đồng ý bế con theo anh về bên kia nước bạn Lào làm vợ.

Ở bên Lào được 03 năm, bố Ke qua đời. Năm 2005, Yến rủ chồng về bản Sáng để phụng dưỡng cha già và được Ke đồng ý. Hiện 2 đứa con lớn của Ke với người vợ trước cũng cùng cha sang bản Sáng, thế nhưng, những điều rắc rối từ đây mới nảy sinh khi những quyền lợi của con cái họ không được bảo vệ vì đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chị Lộc Thị Yến tâm sự: “Do ngày đó không hiểu biết về pháp luật nên chị cùng chồng mình không đi đăng ký kết hôn. Cho đến khi các con bắt đầu đi học không có giấy khai sinh mới biết. Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thị con chị mới được đến trường”.

Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định:  Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn; Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

Những chuyện tình “xuyên biên giới” nơi miền biên viễn này cứ hồn hậu như cây rừng đơm hoa, kết trái như vậy, thế nhưng đó là những cuộc tình không trọn vẹn. Đây là những cuộc hôn nhân không được Luật pháp thừa nhận, không có Giấy đăng ký kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, hầu hết những cặp đôi này yêu nhau, về sống chung, rồi sinh con đẻ cái mà không quan tâm đến việc đăng ký kết hôn. Khi chính quyền muốn hợp pháp hóa hôn thú thì gặp khó khăn vì thiếu giấy tờ tùy thân, nên thủ tục đăng ký kết hôn cứ kéo dài mãi vẫn không hoàn tất. Chính vì vậy, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo các quyền lợi cho các cặp vợ chồng và con cái họ.

Trao đổi về vấn đề này, với ông Hà Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu ông chia sẻ:“Nhiều lần chính quyền xã cũng đã đến tận nhà vận động những cặp vợ chồng này đi làm giấy đăng ký kết hôn nhưng họ không chịu đi, hết viện lý do này lại viện lý do khác nên chính quyền xã cũng rất khó bắt buộc”

Chính vì những lý do này, nhiều gia đình mang dòng máu Việt - Lào phải chịu nhiều thiệt thòi vì quyền lợi công dân chưa được thực hiện đầy đủ. Có rất nhiều hệ lụy xảy ra đối với những cuộc hôn nhân vi phạm pháp luật này: thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử; việc tranh chấp tài sản, con cái khi cuộc hôn nhân đổ vỡ; thực hiện các chính sách về y tế, học tập… sẽ không được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Mường Lát, tính đến năm 2018 có 278 trường hợp người Việt Nam thường trú tại địa phương kết hôn với người mang quốc tịch Lào và hầu hết là không hợp pháp vì không có Giấy đăng ký kết hôn. Trong số đó, có 255 trường hợp đã di cư sang Lào sinh sống và 23 trường hợp người từ Lào về huyện Mường Lát, Việt Nam cư trú. Những trường hợp này tập trung ở các xã giáp biên Mường Lát như: Tén Tằn, Quang Chiểu và Mường Chanh.

Ông Trương Văn Bình- Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: “Do mối quan hệ thân quen từ lâu đời, cùng chung ngôn ngữ ( tiếng dân tộc) mà các cặp nam-nữ hai bên biên giới tự tìm hiểu rồi kết hôn với nhau. Điều đáng nói là họ lại không thông qua chính quyền địa phương, yêu nhau rồi về ở với nhau. Chính vì vậy rất khó trong công tác quản lý”.

Để góp phần đảm bảo sự ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn các bản biên giới, thời gian qua, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về Luật hôn nhân và gia đình, đặc biệt là những điều quy định đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài; vận động người dân thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý trước khi cưới để đảm bảo quyền lợi công dân; đồng thời yêu cầu các cặp vợ chồng Việt - Lào ký cam kết phải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật khi sinh sống tại địa phương.

Rời Quang Chiểu khi mặt trời dần khuất núi, chúng tôi thoáng thấy những tốp nam thanh niên từ Lào ăn diện bảnh bao đang tụ họp ở đầu bản, chờ tối đến để “chọc sàn” tìm bạn đời là những cô gái Việt Nam. Và trong số họ sẽ tiếp tục dệt nên những cuộc tình đẹp, những cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Chúng tôi chỉ mong sao, đó là những mối tình hạnh phúc trọn vẹn trong khuôn khổ pháp luật của hai nước, để những mối tình thủy chung ấy làm cầu nối để tình hữu nghị Việt - Lào thêm sắt son và bền chặt cho thế hệ mai sau./.

Tuấn Bình