Hội thảo khoa học về tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát

Sáng ngày 13/7, tại Trung tâm Hội nghị huyện Mường Lát, UBND huyện đã tổ chức Hội thảo khoa học về tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát. Về dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; TS. Hoàng Bá Tường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Lầu Minh Pó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Hà Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện các sở, ban ngành: Sở văn hóa - thể thao và du lịch, sở Khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Trường Đại học Hồng Đức, Đại học văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa, Nhà xuất bản Thanh Hóa; Các đồng chí lãnh đạo Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND-UBND; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện; già làng, người có uy tín và đại diện các gia đình hiện đang lưu giữ những kỷ vật về tướng quân Tư Mã Hai Đào cùng tham dự.

Hội thảo đã nhận được 21 bài tham luận của các tác giả và nhóm tác giả xung quanh 2 nội dung: làm sáng tỏ về quê hương, thân thế, sự nghiệp của Tướng quân Tư Mã Hai Đào và đề xuất các hình thức, giải pháp khoa học, khả thi nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa các di sản về ông trên mảnh đất Mường Lát.

Chuyện rằng: từ rất xa xưa ở Mường Đào (nay thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa) có một cậu bé mồ côi cả cha và mẹ rất sớm. Tuy không còn cha mẹ dưỡng dục, nhưng cậu bé mồ côi lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cư dân Mường Đào - Mường Khô. Vì ra đời ở Mường Đào, nên bà con dân bản thường gọi cậu bé với cái tên trìu mến - Hai Đào! Lúc còn nhỏ Hai Đào cũng như các bạn cùng trang lứa chăn trâu, cắt cỏ, chơi các trò chơi dân gian.

Đặc biệt bé Hai Đào thích chơi trò bắn cung, bắn nỏ, luyện kiếm, đánh cù, bày trò trận giả, luyện võ thi tài với các bạn. Nhưng cái khác thường ở Hai Đào là cùng trang lứa nhưng Hai Đào cao to, đôi tay dài, đặc biệt đôi mắt tinh anh rực sáng, tướng mạo oai phong, võ nghệ tinh tài… Sống trong tình yêu thương của bà con dân bản, Hai Đào ngày một trưởng thành, đứa bé Hai Đào ngày nào giờ trở thành chàng trai khỏe mạnh lực lưỡng như cây rừng mọc thẳng.

Dạo đó, nghe tin triều đình mở hội thi võ để chiêu mộ người tài phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh thành xin được tham gia. Hội thi đấu võ năm ấy rất nhiều chàng trai tham gia nhưng không ai qua được Hai Đào. Võ nghệ cao cường của chàng trai người rừng Mường Đào đã làm rung động trái tim công chúa.

Từ chàng trai nghèo, Hai Đào trở thành phò mã đúng vào thời điểm giặc ngoại xâm quấy nhiễu và xâm chiếm vùng biên ải của đất nước. Phò mã Hai Đào xin vua cho trở về quê hương lên vùng biên cương để trừ giặc. Với khí phách của người anh hùng, có mưu mẹo và võ nghệ tinh thông, lại được 2 anh em ruột là tướng Ót Đanh và Ót Dọ phò tá, quân của Hai Đào tiến đánh quân giặc dọc theo biên giới kéo dài cả trăm km từ Tén Tằn huyện Mường Lát qua huyện Quan Hóa đến Mường Xia huyện Quan Sơn.

Quân sĩ của Phò mã Hai Đào tiến đến đâu, quân giặc bỏ chạy đến đó. Chỉ trong thời gian ngắn vùng biên cương rộng dài phía Tây tỉnh Thanh Hóa không còn bóng giặc, cư dân các Mường lại được sống trong yên bình và trở lại thôn bản làm ăn…

Tướng quân Hai Đào được vua phong tước Tư Mã biên phòng cai quản biên cương của đất nước. Kể từ đó đến nay nối tiếp nguồn mạch, khí phách của tướng quân Tư Mã Hai Đào, các thế hệ nối tiếp nhau bảo vệ vững chắc đường biên và xây dựng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa thành đường biên giới hòa bình hữu nghị với nước bạn Lào…

Tướng quân Tư Mã Hai Đào, từ bao đời nay luôn in đậm trong tâm thức của đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát và các huyện miền núi Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, ông là một vị tướng tài, một vị anh hùng, huyền thoại được giao trọng trách cầm quân đánh đuổi giặc xâm chiếm vùng biên giới Việt – Lào, chấn giữ biên ải, giữ gìn dải đát biên cương, mang lại ấm no, thanh bình cho bản làng, xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.

 

Việc tổ chức hội thảo về nhân vật lịch sử Tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát là nhằm tái hiện lại, tập hợp đầy đủ những tư liệu quý giá về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của ông để phục vụ công tác bảo tồn những giá trị lịch sử, giáo dục con cháu đời sau noi theo tấm gương anh hùng hy sinh vì đất nước, phát huy tinh thần ấy vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay và mai sau./.

Tuấn Bình