Mường Lát: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh, gồm 06 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đa số nhân dân trong huyện đều có tín ngưỡng dân gian là thờ cúng ông bà, tổ tiên và những người có công với nước; các nghi lễ sinh hoạt tương đối đơn giản, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Múa Dân tộc Mông

Qua thống kê, rà soát sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện có 02 di tích đang tồn tại là Đền Tư Mã Hai Đào ( tại xã Tén Tằn ) và địa danh đoàn quân Tây Tiến ( xã Mường Lý ); toàn huyện có khoảng 10 lễ hội, nghi lễ lớn nhỏ khác nhau cùng những làn điệu dân ca, dân vũ, trò diễn xướng, các trò chơi dân gian (như: tung Còn, đánh quay, ném Pao, đánh Cù... ), các nghề truyền thống (như: nhuộm chàm, thêu, dệt thổ cẩm, nghề rèn và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc...)  tuy vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, gia đình nhưng việc thực hiện chưa được thường xuyên, cần được quan tâm đầu tư để khôi phục lại.

Trước tình trạng đó, trên tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương V ( khóa VIII ) của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa V đã ban hành Nghị quyết số 02 về “ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Mường Lát giai đoạn 2015-2020”. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân trong công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đắc sắc từ ngàn đời nay đang dần có nguy cơ mai một.

Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết huyện đã xây dựng hoàn thiện được 02 nhà văn hóa, công nhận 482 hộ gia đình văn hóa, khai trương công nhận và công nhận lại cho 09 cơ quan, làng bản đạt chuẩn Văn hóa; công nhân 01 bản đạt chuẩn Nông thôn mới; tập trung tuyên truyền vận động được 61 trường hợp người chết đưa vào quan tài, theo đề án Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông và kế hoạch để thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”. Nhìn chung, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã được nâng lên. Các thiết chế văn hóa, thông tin từng bước được cải thiện. Các phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở phát triển, việc khai thác sử dụng các làn điệu dân ca, dân vũ để dàn dựng, cải biên các tiết mục biểu diễn nghệ thuật được quan tâm, chú trọng... Qua đó, bước đầu xây dựng được một diện mạo về đời sống văn hóa giữa miền núi và thành thị, giữa các tầng lớp dân cư, khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đông đảo tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, phong tục tập quán không lành mạnh... góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa V). Trong đó, đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa mà trọng tâm là vận động nhân dân các dân tộc thay đổi dần các tập quán, hủ tục còn lạc hậu; đồng thời bảo tồn, khai thác phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện./.

Tuấn Bình