Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát. Hình ảnh những bà mẹ chưa tròn 15 tuổi, những đứa trẻ nheo nhóc, còi cọc đã không còn xa lạ ở mỗi bản làng vùng cao biên giới.

Mường Lát là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn ở những con số báo động. Toàn huyện có 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ mú và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Theo số liệu thống kê từ phòng tư pháp huyện Mường Lát, từ năm 2011 đến tháng 6/ 2015, toàn huyện có 179 trường hợp tảo hôn và 31 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông ở các xã như Pù Nhi, Mường Lý…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu lâu đời còn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Tục lệ bắt vợ của người Mông đã từng được coi là một nét đẹp văn hóa, nhưng hiện nay, tục bắt vợ đã kéo theo nhiều hệ lụy, mà điển hình nhất là nạn tảo hôn. Các chương trình truyền thông giáo dục về tác hại của kết hôn cận huyết thống đến sức khỏe nòi giống còn nhiều hạn chế. Mặc dù, công tác tuyên truyền đã được các cấp, ngành triển khai lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên song chưa đạt hiệu quả.

Đề án ‘giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và triển khai từ năm 2017 – 2020 với kinh phí hơn 9, 974 tỷ đồng. Theo đó, đề án được triển khai thực hiện tại 223 xã thuộc 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi tỉnh Thanh Hóa trong đó có huyện Mường Lát sẽ là chìa khóa để tháo gỡ khó khăn, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. /.