Phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Văn Thiệp - Phó Giám đốc TTYT huyện Mường Lát về cách phòng ngừa bệnh dại

Những ngày qua, người dân ở bản Cang xã Mường Chanh vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thương tâm của cậu bé Ly Văn Xuân (11 tuổi). Cách đây không lâu ( ngày 25/01/2017), Cháu Xuân bị chó dại cắn và không đến cơ sở y tế để điều trị, nên virut gây bệnh dại đã nhiễm vào người. Tối 05/3/2017, sau khi phát bệnh với các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau đầu nhiều, đau người, khó thở, sốt cao, kích thích la hét, tăng tiết đờm dãi... Cháu Xuân đã tử vong. Đây là một trong những trường hợp điển hình tử vong do bị chó dại cắn do không được tiêm vắc xin. Xoay quanh vấn đề này, để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa bệnh dại để tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc như vừa qua; phóng viên Tuấn Bình Đài TT-TH huyện Mường Lát đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thiệp - Phó Giám đốc TTYT huyện Mường Lát, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

PV: Vâng, trước tiên xin cảm ơn bác sĩ đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài TT-TH huyện Mường Lát;

Thưa bác sĩ, chúng tôi được biết là trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Mường Lát vẫn lưu truyền bệnh dại, vậy xin bác sĩ cho biết, bệnh dại là bệnh như thế nào?

Bs: Bệnh dại là bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong chắc chắn. Bệnh dại là một trong những bệnh nhiễm được ghi nhận từ thời cổ xưa, mô tả từ cách đây hơn 3000 năm và là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.

PV: Bác sỹ có thể cho biết thêm nguyên nhân và triệu chứng của bệnh dại biểu hiện như thế nào?

Nguyên nhân: do Virus Dại (rabies virus) gây nên. . Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng như; chó, mèo, dơi, khỉ…v..v. Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường do vết cắn, vết liếm, vết xước của động vật mắc bệnh dại. Khi phát cơn Dại dẫn đến tử vong là chắc chắn.

Triệu chứng: Thời kỳ ủ bệnh: thời kỳ này tương ứng với sự di chuyển và nhân lên của virus. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào khoảng cách từ vị trí vết cắn đến thần kinh trung ương xa hay gần , vết cắn càng gần thần kinh trung ương thi thời gian ủ bệnh càng ngắn .

Thời gian ủ bệnh trung bình là 30 - 90 ngày (80% trường hợp), có những trường hợp nhanh dưới 20 ngày (5 - 10% trường hợp) hoặc chậm hơn 3 tháng (7 -20% trường hợp). Thậm chí kéo dài hơn cả năm (1,8% trường hợp). Thời gian ủ bệnh ngắn nhất được tìm thấy khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.

- Thời kỳ khởi phát: Từ 2 - 4 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị sưng tấy. Những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết. Đồng thời người bệnh còn có các triêu chứng: bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.

- Thời kỳ toàn phát: Có 3 thể lâm sàng:

Thể co thắt:

Đây là thể thường gặp nhất. Đặc điểm của thể này  là co cứng, co thắt, co giật, run các cơ kể cả cơ mặt. Co thắt hô hấp và co thắt thanh quản khiến bệnh nhân khó thở là biểu hiện tổn thương hành tủy và là triệu chứng đặc trưng của bệnh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là nhân lên cơn dại:

+  Sợ nước: bệnh nhân thường rất khát nhưng khi uống nước họ bị co thắt lồng ngực, bị run câm cập. Trạng thái này qua mau nhưng để lại ân tượng  kéo dài cho bệnh nhân, vì vậy họ không muốn uống nước mặc dù rất khát. Từ đó dẫn đến chỉ cần nhìn thấy 1 ly nước hoặc nghe tiếng nước chảy cũng sợ.

+  Sợ ánh sáng: được mô tả tương tự như biểu hiện sợ nước.

 Tính cách bệnh nhân không bình thường. Bệnh nhân bị phấn khích quá độ khi bị kích thích. Không phát hiện thấy dấu hiệu mất tri thức.

Những cơn co thắt đầu tiên còn xa nhau, càng ngày càng dày hơn và người bệnh  thường tử vong sau 3 - 4 ngày do ngất hoặc ngạt trong một cơn co thắt sợ nước hoặc sau một cơn hôn mê.

Thể liệt:

Thể này hiếm hơn, kém điển hình hơn, không có dấu hiệu phấn khích quá độ. Bệnh xuất hiện rất nhanh sau giai đoạn co thắt, run. Liệt có thể tiên phát và bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên (hội chứng Landry) hoặc xuống dưới. Người bệnh thường bị tử vong do ngạt nước hoặc ngất vào ngày thứ 4. Diễn tiến bệnh thường không quá 4 -10 ngày.

Thể cuồng:

Bệnh nhân bị kích thích quá độ, có những phản ứng dữ tợn, trở nên hung bạo.Vì vậy bệnh nhân thường có những hành vi không bình thường như chống lại y, bác sĩ và những người quanh mình. Thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.

PV: Thưa bác sỹ! Bác sỹ có thể cho biết, khi bị chó dại cắn thì người dân phải xử lý như thế nào?

Bs: Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, cần rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn iốt.

- Đến cơ sở Y tế  Tiêm vắc - xin  phòng bệnh Dại ngay trong những giờ đầu tiên là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn cản Virut Dại xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.

PV: Bác sỹ có lời khuyên như thế nào đối với người dân trong cách phòng tránh bệnh dại?

Bs: Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của thú y.

Phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo, đặc biệt là khi chúng đang ăn.

Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

Khi bị chó, mèo nghi Dại cắn nên:

Tự xử trí:  Rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn iốt. vì làm được điều này đã giảm một lượng lớn vi rút xâm nhạt vào cơ thể.

Đến cơ sở Y tế  Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại yêu cầu phải tuân thủ: tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam để tránh cái chết oan uổng.

Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú Y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

Để không mắc bệnh dại, mọi người nên có hiểu biết về nguyên nhân bệnh Dại, hình thức lây truyền bệnh để có cách phòng ngừa hiệu quả.

 

PV: Vâng, một lần nữa xin được cảm ơn bác sĩ về những thông tin vừa rồi!

Tuấn Bình