Hiệu quả từ chương trình cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế và các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở Muường Lát

Là một trong những địa phương có số lượng lao động trong độ tuổi thanh niên lớn so với 11 huyện miền núi của tỉnh, những năm trước tình trạng thanh niên thất nghiệp phải rời quê hương đi làm ăn xa là một thực tế đáng lo ngại ở Mường Lát. Để từng bước hạn chế tình trạng trên, vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) luôn được xem là một trong những giải pháp có tính cấp bách hàng đầu. Chương trình cho ĐVTN vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi để phát triển kinh tế trong những năm qua được huyện Mường Lát triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, thị trấn. Để chương trình phát huy hiệu quả, ban chấp hành huyện đoàn, đoàn thanh niên các xã, thị trấn đã tích cực tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chương trình vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, một số chương trình tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, nhận thức của ĐVTN đã từng bước thay đổi. Từ chỗ phần lớn ĐVTN còn ỷ lại, e ngại khi bắt đầu tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như chưa có định hướng để phát triển kinh tế, giờ đây phong trào thanh niên nỗ lực vươn lên thoát nghèo, lập thân, lập nghiệp đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi.

Đoàn thanh niên xã Tén Tằn hiện có 483 đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt ở 10 chi đoàn cơ sở. Thực hiện chương trình cho vay vốn đối với đoàn viên thanh niên về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong đoàn viên thanh niên. Tính đến nay, tổng số dư nợ do đoàn thanh niên xã Tén Tằn đứng ra ký ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội huyện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế là gần 1,5 tỷ đồng. Đoàn thanh niên xã đã tiến hành rà soát và thành lập được 2 tổ, lập hồ sơ cho 75 hộ gia đình có đoàn viên thanh niên được tham gia  vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh buôn bán. Đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình có đoàn viên thanh niên thuộc diện hộ nghèo, vay nhà ở, vay sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết các hộ gia đình đoàn viên thanh niên được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, chăn nuôi, tham gia trồng rừng theo dự án 147 của Chính phủ. Nhiều đoàn viên thanh niên vay vốn đã có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu. Điển hình như: mô hình chăn nuôi của gia đình anh Vi Văn Bồ, gia đình anh Vi Văn Khéo ở bản Tén Tằn, mô hình trồng rừng của gia đình anh Vi Văn Hậu ở bản Piềng Mòn.

Năm 2013, huyện Mường Lát triển khai xây dựng 2 mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng (giống vịt cổ rụt) tại xã Quang Chiểu với kinh phí đầu tư 700 triệu đồng. Gia đình anh Lương Văn Tếu ( bản Sáng - xã Quang Chiểu ) là 1 trong 2 hộ gia đình được chọn để thực hiện mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng. Ban đầu, với số lượng gần 200 con vịt giống, đến nay gia đình anh đã phát triển đàn vịt lên hơn 300 con. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong gia đình như lúa , ngô và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho vịt, đến nay đàn vịt của gia đình anh sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, mỗi con có trọng lượng từ 1, 7 đến 2kg.

Thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế ở huyện Mường Lát có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó, nhiều ĐVTN đã tự ý thức và hăng say phát triển kinh tế. Tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như việc rời bỏ quê hương đi làm ăn xa đã từng bước được hạn chế. Các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế cho ĐVTN cũng đã phát huy  hiệu quả. Tính đến cuối năm 2013, tổng số vốn cho ĐVTN vay trên địa bàn  huyện Mường Lát  ước tính đạt hơn 11 tỷ đồng. Các câu lạc bộ, mô hình thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được nhân rộng khắp các xã trong huyện tạo thành phong trào thi đua có sức lan tỏa  trên địa bàn.

Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế trên cơ sở nắm vững tình hình thực tế ở từng địa bàn, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của  ĐVTN, qua đó có sự định hướng, trợ giúp ĐVTN từ lúc tiếp cận vốn vay cho tới khi triển khai các mô hình phát triển sản xuất phù hợp./.

Tuấn Bình - TTTHML